Mục tiêu của phân môn tập đọc là rèn cho học sinh kĩ năng đọc đúng, đọc lưu loát, đọc hiểu và đọc hay( đọc diễn cảm ), bốn kĩ năng cơ bản đó vô cùng quan trọng chúng gắn bó, hỗ trợ đắc lực cho nhau. Đọc đúng, đọc lưu loát giúp học sinh hiểu nội dung bài đọc, từ đó giúp cho việc đọc diễn cảm tốt. Và nếu đọc diễn cảm tốt sẽ giúp cho việc cảm thụ bài văn thêm sâu sắc.

RÈN ĐỌC DIỄN CẢM CHO HỌC SINH LỚP 4

1/ Đặt vấn đề:

Đọc là kĩ năng sống của mỗi cá nhân. Biết đọc con người sẽ làm chủ được phương tiện giao tiếp, tự tìm hiểu đánh giá cuộc sống, nhận thức các mối quan hệ xã hội, phát triển tư duy có khả năng giao tiếp hiểu được thế giới xung quanh, nâng cao giá trị cuộc sống, giá trị văn hóa của mình. Dạy đọc có một ý nghĩa rất to lớn ở tiểu học. Đầu tiên các em phải học đọc. Đọc giúp các em chiếm lĩnh được ngôn ngữ để dùng trong giao tiếp và học tập.

Mục tiêu của phân môn tập đọc là rèn cho học sinh kĩ năng đọc đúng, đọc lưu loát, đọc hiểu và đọc hay( đọc diễn cảm ), bốn kĩ năng cơ bản đó vô cùng quan trọng chúng gắn bó, hỗ trợ đắc lực cho nhau. Đọc đúng, đọc lưu loát giúp học sinh hiểu nội dung bài đọc, từ đó giúp cho việc đọc diễn cảm tốt. Và nếu đọc diễn cảm tốt sẽ giúp cho việc cảm thụ bài văn thêm sâu sắc.

2/ Lý do chọn đề tài:

Trong bộ môn tiếng việt, phân môn tập đọc giữ vai trò đặc biệt quan trọng, hình thành và phát triển kĩ năng đọc cho học sinh ở cấp học đầu tiên này. Cuối cấp tiểu học, yêu cầu tối thiểu mà học sinh phải đạt được là đọc thông, viết thạo, sử dụng được ngôn ngữ nói và viết trong giao tiếp. Nghe và đọc hiểu được văn bản có nội dung thích hợp với yêu cầu học tập và cuộc sống của các em.

Trong quá trình đứng lớp giảng dạy ở trường tiểu học, việc dạy cho học sinh đọc, bên cạnh những thành công cũng còn gặp không ít hạn chế. Để góp phần hình thành và phát triển ở học sinh tiểu học, nhất là học sinh lớp 4 các kĩ năng sử dụng tiếng việt như: nghe, nói, đọc, viết để học tập và giao tiếp trong môi trường hoạt động của lứa tuổi góp phần rèn luyện các thao tác tư duy, bồi dưỡng tình yêu tiếng việt. Trong đó, phân môn tập đọc rất quan trọng là kỉ năng đọc diễn cảm, để từ đó học sinh học tốt môn Tiếng việt nói riêng và các môn học khác nói chung ở lớp 4.

3/ Thực trạng của vấn đề:

Hiện nay một số học sinh rất lười đọc bài; học đọc với giọng đều đều không ngữ điệu biểu cảm.

Việc hướng dẫn đọc diễn cảm của các em chưa đi vào chiều sâu và chưa được quan tâm đúng mức.

4/ Các biện pháp để giải quyết vấn đề :

Đầu năm học, giáo viên nắm đối tượng học sinh, thống kê chất lượng đọc của học sinh lớp mình. Từ đó, giáo viên có kế hoạch đề ra những biện pháp cụ thể để rèn luyện kĩ năng đọc diễn cảm cho từng đối tượng học sinh và thời lượng đọc diễn cảm phù hợp với từng đối tượng.

Đọc diễn cảm là hình thức không thể thiếu của dạy tập đọc. Làm thế nào để nâng cao chất lượng đọc diễn cảm cho học sinh lớp 4 ?

Các bài tập đọc trong sách giáo khoa tiếng việt 4 phản ánh nhiều lĩnh vực khác nhau. Để đọc diễn cảm giáo viên cần xác định yêu cầu của việc dạy đọc diễn cảm là: các em phải làm chủ được tốc độ đọc, biết những chỗ ngắt, nghỉ hơi, kĩ thuật nhấn giọng biểu cảm, nắm được cường độ giọng: đọc to hay nhỏ, nhấn giọng hay lơi giọng, nắm được độ cao của giọng đọc, lên giọng hay hạ giọng, thể hiện được tâm trạng cử chỉ lời nói của từng nhân vật, thể hiện khi đọc thơ, văn xuôi, truyện, văn miêu tả, văn bản khoa học, nghị luận văn bản thông thường, tác phẩm văn học nước ngoài và các văn bản kể chuyện. Song bên cạnh đó người giáo viên cần nắm mức độ yêu cầu việc rèn kĩ năng đọc từ lớp 1 đến lớp 4.

*Lớp 1: Yêu cầu rèn kĩ năng đọc chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đọc trơn, tìm hiểu nghĩa từ, nội dung của câu và đoạn văn, đọc thuộc một số đoạn hoặc bài văn ngắn.

*Lớp 2: Bài đọc dài hơn và bắt đầu tập cho các em cách đọc lời thoại, kĩ năng đọc thầm và bước đầu đưa vào một số văn bản nhật dụng.

*Lớp 3: Làm quen với văn bản, nghệ thuật, hành chính, báo chí, khoa học thường thức, trong bài đọc xuất hiện tên riêng nước ngoài, chú trọng đến từ dễ đọc sai do ảnh hưởng của cách phát âm địa phương. Học sinh bắt đầu được hướng dẫn tìm hiểu ý chính của đọan.

*Lớp 4: Thêm yêu cầu đọc diễn cảm đoạn văn, bài thơ, màn kịch ngắn. Bước đầu tìm hiểu ý nghĩa của bài văn, bài thơ và một số chi tiếtcó giá trị nghệ thuật trong tác phẩm, nhận xét về nhân vật, hình ảnh và cách sử dụng từ ngữ trong bài văn, bài thơ.

Kĩ năng đọc thành tiếng được hình thành trên cơ sở đọc đúng. Muốn đọc đúng, người đọc phải nắm vững kĩ thuật đọc sau:

a. Đọc rõ tiếng, rõ lời, đúng chính âm, đúng dấu thanh.

b. Ngắt giọng đúng chỗ; khi đọc một văn bản viết, người đọc sẽ ngừng, nghỉ giọng căn cứ vào dấu câu hoặc dựa vào ý nghĩa của câu, của đoạn văn. Có một số câu văn, nếu chỉ ngắt giọng theo dấu hiệu của dấu câu thì hiệu quả của giọng đọc sẽ không trọn vẹn. Ở những trường hợp này, người đọc cần dựa vào ý nghĩa của câu để quyết định việc ngắt giọng cho phù hợp với nội dung văn bản.

c. Ngữ điệu đọc bao gồm những dấu hiệu biến đổi về ngữ âm trong khi đọc, cụ thể: Tiết tấu của giọng đọc( kĩ thuật ngắt giọng ); Nhịp điệu đọc (dồn dập hay chậm rải); Cường độ đọc (giọng đọc to hay nhỏ, nhấn giọng hay lướt qua); Cao độ giọng trầm hay bổng, lên cao hay thấp xuống); Sắc thái giọng đọc (vui , buồn, lo lắng, hóm hỉnh, chế giễu, bực bội, trang trọng…). Hiểu theo nghĩa rộng ngữ điệu là sự hòa đồng của chỗ ngừng giọng, chỗ nhấn giọng, cường độ, cao độ,,.. tạo nên âm hưởng của bài đọc.

d.Tốc độ và âm lượng đọc: Kĩ thuật đọc diễn cảm trình bày ở trên, với học sinh tiểu học cần làm cho những kĩ thuật này trở nên đơn giản, gần gũi với các em để các em có niềm say mê và hứng thú với giờ tập đọc.

Trước hết, giáo viên cần hướng dẫn các em đọc đúng và rõ từng từ, từng câu, từng đoạn,( thao tác đọc trơn). Ở bước này cần sửa triệt để lỗi phát âm cho học sinh. Tiếp theo, hướng dẫn học sinh tìm hiểu từ khó và phần chú giải để hiểu rõ nghĩa của bài đọc. Sau đó, tùy theo thể loại văn bản, xác định giọng đọc, cách nghỉ hơi, ngắt nhịp phù hợp. Giáo viên cần giúp học sinh hiểu đọc thơ khác đọc văn xuôi, đọc văn miêu tả không giống đọc văn kể chuyện, đọc lời trần thuật khác đọc câu hỏi hay câu cảm thán…

Ví dụ: đọc đoạn văn: “ Người ăn xin”.

Tôi chẳng biết làm thế nào. Tôi nắm chặt lấy bàn tay run rẩy kia:

- Ông đừng giận cháu, cháu không có gì để cho ông cả.

Người ăn xin nhìn tôi chằm chằm bằng đôi mắt ướt đẫm. Đôi môi tái nhợt nở nụ cười và tay ông cũng xiết lấy tay tôi:

- Cháu ơi, cảm ơn cháu ! Như vậy là cháu đã cho lão rồi – Ông lão nói bằng giọng khản đặc.

Khi ấy, tôi chợt hiểu rằng: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được chút gì từ ông lão.

Như vậy, Trong từng bài đọc, giáo viên phải biết cách hướng dẫn học sinh thay đổi giọng đọc cho phù hợp với nội dung truyền tải được cảm xúc của tác giả đến người nghe. Với những câu dài, cần hướng dẫn cách ngắt hơi thật chính xác để thể hiện dụng ý của người viết.

Khác với đọc văn xuôi, khi đọc thơ cần thể hiện sự phối hợp giữa nhịp điệu, tiết tấu, ngắt hơi hợp lí giữa các ý thơ, mạch thơ.

Ví dụ: Sông La// ơi sông La

Trong veo// như ánh mắt

Bờ tre xanh// im mát

Mươn mướt// đôi hàng mi

(Bè xuôi sông La – Tiếng việt 4 – tập 2)

Khó khăn khi đọc thơ không chỉ vì các câu thơ có độ dài ngắn khác nhau mà mạch thơ, ý thơ của tác giả cần được thể hiện như thế nào. Cần hướng dẫn học sinh xác định thể loại khi đọc thơ, bởi đọc thơ lục bát khác với thơ tự do,…Trong khi thể hiện cách hiệp vần, có thể phát hiện ra mạch cảm xúc của tác giả để đọc đúng, đọc diễn cảm.

Để hổ trợ cho việc đọc diễn cảm, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh xác định ý chính của tác phẩm thông qua việc trả lời câu hỏi: Bài văn, bài thơ muốn diễn đạt điều gì? Em thích chi tiết nào nhất trong bài? Bài văn bài thơ gợi cho em suy nghĩ, cảm xúc gì? Muốn thực hiện được điều này, giáo viên cần giúp các em xác định và tìm hiểu: các từ ngữ, hình ảnh đặc sắc, các biện pháp nghệ thuật của tác giả nhằm thể hiện các từ ngữ, hình ảnh đó…

Đối với học sinh lớp 4, bên cạnh các từ ngữ và hình ảnh đặc sắc, giáo viên cần hướng dẫn các em tìm hiểu các biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng trong bài, giúp các em hiểu một cách trọn vẹn nội dung cũng như tâm tư, tình cảm tác giả muốn gởi gắm, để từ đó đọc tốt bài đọc bằng cảm xúc riêng.

5/ Kết luận:

Việc rèn đọc diễn cảm cho học sinh lớp 4 phải được giáo viên xây dựng kế hoạch rèn đọc ngay từ đầu năm học. Rèn đọc diễn cảm cho học sinh phải được tiến hành một cách kiên trì thường xuyên và liên tục. Rèn đọc ở tất cả các môn học ngay tại lớp cũng như ở nhà.

Giáo viên tổ chức các hoạt động, học sinh thực hiện các hoạt động theo hướng tích cực. Giáo viên uốn nắn, theo dõi và thống kê chất lượng đọc của học sinh theo định kì để có hướng điều chỉnh phương pháp dạy học cho phù hợp và nắm bắt được sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập của học sinh lớp mình.

Do vậy, muốn dạy tốt phân môn tập đọc chúng ta cần phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ nhận thức của bản thân, nắm vững phương pháp giảng dạy, kiên trì rèn luyện cho mình kỹ năng đọc tốt đối với giáo viên và cả học sinh.

Trên đây là một số giải pháp cũng như những kinh nghiệm mà tổ chúng tôi đã rút ra trong quá trình giảng dạy, xin được sự đóng góp của đồng nghiệp và Ban giám hiệu.

 

THỰC HIỆN

 

    Nguyễn Hữu Phước